Danh Mục
I. Cảm cúm ảnh hưởng như thế nào tới phụ nữ mang thai
Đối với người bình thường, cảm cúm nguy hiểm quá nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, cảm cúm có thể để lại những vấn đề nghiêm trọng cho phụ nữ mang thai, đặc biệt đối với sự phát triển bình thường của em bé.
Trong thai kỳ, cơ thể người mẹ có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là chức năng miễn dịch có thể bị suy giảm, do đó nếu tiếp xúc với các nguyên nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… rất dễ dẫn đến mắc bệnh.
Mẹ bầu có thể gặp những biến chứng như viêm phế quản, sau đó phát triển thành viêm phổi hoặc bị nhiễm trùng tai, viêm tai giữa. Trong khi đó, bé có thể sinh sớm hoặc nhẹ cân, trường hợp nặng nhất gây tử vong. Tuy nhiên, các mẹ cũng không cần quá lo lắng vì tỷ lệ những trường hợp này chiếm một tỷ lệ nhỏ.
Để đảm bảo an toàn, khi gặp các triệu chứng nghi ngờ cảm cúm, hãy đến thăm khám bác sĩ để có phương pháp điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất.
II. Sử dụng thuốc trong cảm cúm cho bà bầu
1. Nguyên tắc khi sử dụng thuốc
– Theo Hệ thống Y tế của Đại học Michigan, phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng bất kỳ loại thuốc nào trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Bởi đây là giai đoạn hình thành và phát triển của hầu hết các cơ quan trong cơ thể bé. Giai đoạn này cực kỳ nhạy cảm đối với thai nhi theo định luật “Không hoặc tất cả”.
– Các bác sĩ sản phụ khoa khuyến cáo thận trọng dùng thuốc sau 28 tuần.
– Luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ trước muốn sử dụng thuốc, không nên tự ý dùng để an toàn cho mẹ và bé.
Rất nhiều người lo ngại sử dụng thuốc Tây khi cảm cúm trong thai kỳ, tuy nhiên có những trường hợp dùng thuốc là bất buộc, các loại thuốc được kê đơn là các thuốc đã được khuyến cáo có thể sử dụng an toàn cho bà bầu. Do đó hãy tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị để đẩy lùi bệnh cúm.
2. Thuốc kháng virus
Thuốc cảm cúm cho bà bầu
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật của Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo, khi mẹ bầu đã xác định nhiễm virus cúm, trong bất kỳ tháng nào của thai kỳ nên điều trị bằng thuốc kháng virus ngay lập tức.
+ Oseltamivir (tamiflu).
+ Zanamivir (relenza).
Cả 2 loại trên đều đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) cho phép sử dụng để điều trị cảm cúm cho phụ nữ mang thai. Với mức dành cho phụ nữ mang thai “Loại C” có nghĩa là chưa được nghiên cứu đầy đủ và kiểm soát tốt trong khi mang thai. Do đó, mẹ bầu có thể sử dụng, tuy nhiên cần sự chỉ định của bác sĩ khi đã xem xét giữa lợi ích có thể có cho mẹ và nguy cơ có thể xảy ra, đặc biệt trong những trường hợp bệnh bệnh đang tiến triển nặng.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc kháng virus cho mẹ bầu:
– Điều trị nên bắt đầu càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ khi các triệu chứng khởi phát. Và có thể cần điều trị trong ít nhất 5 ngày.
– Tamiflu ưu tiên hơn cho phụ nữ mang thai vì nó có nhiều dữ liệu an toàn nhất.
– Cần phải được sự đồng ý của bác sĩ.
3. Paracetamol
– Paracetamol (acetaminophen), đặc biệt thuốc Tylenol giúp giảm nhiệt khi sốt cao, giảm đau mức độ nhẹ đến trung bình.
+ Theo AU TGA của Úc nghiên cứu: thuốc được nhiều phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng mà không có bất kỳ sự gia tăng nào về tần suất dị tật hay các tác động có hại trực tiếp hoặc gián tiếp khác đối với thai nhi.
+ Tuy nhiên nên sử dụng paracetamol ở liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất mà vẫn có hiệu quả điều trị. Nếu liều thông thường không kiểm soát được triệu chứng cần thông báo lại cho bác sĩ để cân nhắc tiếp tục sử dụng hay không.
4. Thuốc giảm ho, long đờm
– Một số loại thuốc được chiết xuất từ những thảo dược thiên nhiên an toàn cho bà bầu như Prospan, siro Bổ Phế Nam Hà, Bạch Địa Căn… Thuốc giúp giảm ho, đau rát cổ họng, làm loãng đờm… giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn.
– Siro ho khác chứa dextromethorphan (Robitussin) và dextromethorphan-guaifenesin (Robitussin DM) giúp giảm ho tạm thời khi mẹ bầu không có đờm, làm chấm dứt các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi và an toàn cho mẹ bầu.
– Một lựa chọn khác cho mẹ bầu là kẹo ngậm ho với khả năng giảm ngứa rát cổ họng, ngăn ngừa ho và làm dịu các cơn đau họng. Hoặc miếng dán thông mũi sẽ ít hấp thụ và gây tác dụng toàn thân hơn.
5. Chống chỉ định thuốc điều trị cảm cho mẹ bầu
Mẹ bầu cần tránh tất cả các loại thuốc có những thành phần kết hợp với nhau để giải quyết các triệu chứng. Nên sử dụng thuốc có 1 hoạt chất để giảm thiểu tối đa tác dụng ngoài ý muốn.
Tránh sử dụng một số loại thuốc sau trừ khi được bác sĩ khuyến cáo:
– Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen, naproxen… để giảm đau, hạ sốt do gây tác động lên trẻ.
+ Nếu sử dụng ở tuổi thai 30 tuần trở lên có thể gây đóng sớm ống động mạch của thai nhi.
+ Ở tuổi thai 20 tuần trở lên có thể gây rối loạn chức năng thận của thai nhi dẫn đến tình trạng thiểu ối. Trong một số trường hợp có thể gây suy thận ở trẻ sơ sinh.
– Thuốc giảm đau gây nghiện như codein:
+ Các nghiên cứu về sinh sản trên động vật cho thấy có thể gây hại cho thai nhi.
+ Khi sử dụng opioid kéo dài trong thời kỳ mang thai nguy cơ dẫn đến tình trạng phụ thuộc về thể chất ở trẻ sơ sinh.
– Kháng sinh bactrim do các nghiên cứu trên động đã thấy khả năng gây quái thai và thai chết lưu.
III. Mẹo điều trị cảm cúm tại nhà cho mẹ bầu
1. Nghỉ ngơi và súc miệng bằng nước muối ấm
Ngay khi bị cảm cúm, mẹ bầu cần nhanh chóng thực hiện các việc làm sau:
– Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
– Uống nhiều nước, bao gồm cả sinh tố, súp… Việc bổ sung đủ nước giúp giảm khô rát họng và mũi.
– Nếu bị đau họng và ho, mẹ bầu cần súc miệng bằng nước muối ấm. Đồng thời, nước muối nhỏ mũi để làm lỏng dịch nhầy trong mũi và làm dịu các mô mũi bị viêm. Mỗi ngày nên thực hiện 2 lần vào buổi sáng ngay sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ.
Nước muối sinh lý lành tính, hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cảm cúm mà dễ dàng mua được ở bất kỳ nhà thuốc nào. Nó có thể sử dụng bằng cách rửa và vệ sinh mũi hằng ngày để cải thiện các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, mẹ bầu có thể tự pha nước muối ấm tại nhà.
Mẹ bầu cần súc miệng bằng nước muối ấm để giảm đau họng
2. Xông mũi ngay khi có dấu hiệu
Xông là phương pháp dân gian dễ thực hiện tại nhà. Mẹ bầu có thể sử dụng các loại lá chứa nhiều tinh dầu như bưởi, kinh giới, tía tô, húng chanh, chanh… đem đun sôi. Sau đó hé nắp và hít hơi nước nóng bay lên, nên hít thở đều đặn. Cần lưu ý giữa khoảng cách để tránh bị bỏng hoặc có thể bỏ ra qua cho an toàn. Thực hiện ngày 2 lần, sẽ thấy các triệu chứng được cải thiện đáng kể.
Cần đặc biệt chú ý: các mẹ chỉ xông mũi chứ không xông hơi.
Nhiều mẹ bị cảm cúm thường tự ý mua các loại lá xông về giải cảm. Tuy nhiên, chỉ nên xông mũi chứ không được xông hơi toàn thân trong không gian kín. Vì điều này làm nhiệt độ cơ thể tăng cao gây ảnh hưởng đến thai nhi. Do sự kín khí cùng áp lực của hơi nóng tác động đến huyết áp của người mẹ, gây lên tình trạng thiếu oxy đến nuôi bào thai. Nếu xông quá lâu còn khiến ngạt thở, chóng mặt, đặc biệt nguy hiểm.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu của thai kỳ nếu thân nhiệt của mẹ bầu tăng đột ngột dễ dẫn đến khuyết tật ống thần kinh thai nhi và mất nước ở người mẹ. Trong những tháng thai kỳ sau có thể ít nguy hiểm hơn nhưng vẫn có nguy cơ ảnh hưởng tới xương khớp, cột sống của thai nhi.
3. Chanh kết hợp mật ong
Mật ong và chanh giải cảm an toàn cho bà bầu
Mật ong chứa nhiều thành phần kháng khuẩn tự nhiên giúp cơ thể chống lại cảm cúm. Đồng thời, chanh cũng có khả năng kháng virus, kháng khuẩn và chống nấm mạnh và giảm viêm. Mẹo dân gian này kết hợp 2 thành phần giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh, đồng thời cung cấp thêm vitamin C cho mẹ bầu.
Cách làm hết sức đơn giản như sau.
– Chuẩn bị nguyên liệu: Mật ong, 4 quả chanh, hũ thủy tinh.
– Rửa sạch cốc đựng bằng thủy tinh, tráng qua nước sôi để ráo.
– Chanh đem rửa sạch, sau đó ngâm với nước muối hòa tan trong khoảng 30 phút. Vớt ra, để ráo.
– Cho nước vào nồi cùng 4 quả chanh. Trong khi đun nên đảo đều để chanh được chín đều. Việc này giúp loại bỏ tinh dầu trong vỏ giúp chanh không có vị đắng. Đun đến sôi, vớt ra để yên 1 lúc cho nguội.
– Thái chanh thành từng lát mỏng theo chiều ngang của quả, có thể để cả hạt.
– Rót một lớp mật ong vào hũ, xếp thêm 1 lớp chanh lên. Để một lúc để chanh thấm đều lớp thứ nhất, cứ như vậy 1 lớp mật ong, 1 lớp chanh cho đến khi đầy bình.
– Đậy kín nó, sau 3 ngày có thể dùng được.
– Hỗn hợp mật ong với chanh đem pha với nước ấm, ngày sử dụng 2 lần để giảm đau họng, ho.
Trước khi vào mùa đông là khoảng thời gian có nguy cơ mắc cao, các mẹ lên chuẩn bị sẵn cho mình 1 lọ mật ong và chanh để tiện sử dụng, và không phải mất thời gian để đợi lâu.
4. Sử dụng tỏi giải cảm
Trong tỏi có chứa Allicin có tác dụng chống virus và khử khuẩn, do đó nó trở thành một bài thuốc hiệu quả để trị cảm cúm cho bà bầu. Ngoài ra, tỏi còn còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng để cơ thể chống lại bệnh tật.
Mẹ bầu có thể giã nát tỏi và ngửi nhiều lần trong ngày. Đây là biện pháp xông mũi an toàn, lành tính mà hiệu quả. Muốn tác dụng nhanh hơn, có thể giã tỏi uống với nước. Ngoài ra, nên bổ sung tỏi vào trong món ăn hàng ngày để ngăn ngừa bệnh cảm cúm.
5. Giải cảm bằng gừng
Giải cảm cho bà bầu bằng gừng
Gừng có công dụng kháng viêm và làm ấm cơ thể, vì vậy từ lâu gừng đã được sử dụng hiệu quả trong điều trị cảm cúm, đặc biệt an toàn cho mẹ bầu. Đồng thời, gừng còn giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, ngăn ngừa các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Gừng rửa sạch đem thái nhỏ, đun với một ít nước trong 15 phút. Sau đó, uống khi nước gừng vẫn còn ấm giúp giảm các triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi… hiệu quả.
6. Giải cảm bằng tía tô, kinh giới
Tía tô, kinh giới có tính cay, ấm là 2 vị thuốc dân gian điều trị hiệu quả bệnh cảm cúm, viêm họng, nhức đầu. Có rất nhiều cách để áp dụng cho bà bầu, nhưng đơn giản nhất là sắc lấy nước để uống.
Mẹ bầu chuẩn bị lấy 2 nắm lá mỗi loại, đem đun sôi với 2 chén nước. Nhỏ lửa đun liên tục cho đến khi nước sắc cô đặc lại còn một nửa thì đem ra uống. Nên uống nước tía tô, kinh giới khi còn ấm.
7. Bổ sung cháo để điều trị cảm cúm
Cháo gà cho bà bầu giải cảm
Đây là phương pháp điều trị cảm cúm tuyệt đối an toàn cho mẹ bầu. Để thêm hiệu quả, mẹ bầu có thể thêm hành, ớt chuông… để bổ sung chất chống viêm hoặc tía tô, mùi tàu, kinh giới… để giải cảm, ra mồ hôi.
Đặc biệt, cháo gà được xem lại một trong những cách tốt nhất để giảm viêm và làm dịu mũi khi bị tắc nghẽn đường thở.
8. Một số biện pháp khác
– Tinh dầu tràm cũng được người dân sử dụng để trị cảm. Mỗi lần sử dụng chỉ cần nhỏ một ít, xoa đều lên gan bàn chân, bàn tay trước khi đi ngủ để giảm ho, thông mũi hiệu quả. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể sử dụng để xông mũi, cho lên mũi ngửi hoặc cho vào dụng cụ xông tinh dầu để giữ không khí sạch và dễ thở hơn.
– Chườm khăn ấm lên trán để hạ sốt cũng là một cách được các bác sĩ chuyên gia khuyến nghị.
– Bổ sung vitamin C bằng trái cây như cam, quýt, chanh: giúp tăng cường hệ miễn dịch cho mẹ, hỗ trợ cho cơ thể chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh.
– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ: Bệnh cảm cúm khiến mẹ bầu khó chịu, ăn không ngon. Tuy nhiên hãy cố gắng ăn uống đầy đủ để có sức khỏe chống lại bệnh tật.
Tham khảo thêm: Cảm cúm nên ăn gì và không nên ăn gì?
IV. Phòng ngừa cảm cúm cho bà bầu
Cảm cúm để lại nhiều ảnh hưởng cho em bé, do đó phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để đảm bảo an toàn cho bà bầu phòng tránh bị cúm, các mẹ bầu nên ap dụng các giải pháp sau:
– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung vitamin và khoáng chất theo khuyến nghị của bác sĩ để tăng cường sức đề kháng, tăng khả năng chống lại bệnh tật.
– Chế độ tập thể dục hợp lý, đảm bảo vừa nâng cao sức khỏe vừa an toàn cho em bé, ví dụ như đi bộ, ypga cho bà bầu…
– Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống lành mạnh, tránh sự phát triển của các tác nhân gây bệnh.
– Rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không nên đưa tay lên mắt mũi miệng để hạn chế sự xâm nhập của vi sinh vật.
– Tránh xa nhưng người đang bị cảm cúm, nên đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế tiếp xúc mầm bệnh.
– Tiêm phòng cúm cho bà bầu trước khi mang thai để bảo vệ thai kỳ khỏe mạnh.
– Giữ tinh thần lạc quanm vui vẻ, tránh căng thẳng, stress vì làm tăng nguy cơ suy yếu hệ miễn dịch khiến dễ bị mắc cúm hơn.
Sức khỏe của cả mẹ và bé là mối quan tâm của tất cả mọi người thân trong gia đình. Mong rằng với các kiến thức trong bài viết có thể hữu ích cho bà bầu trong việc điều trị bệnh cảm cúm. Luôn nhớ rằng trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần sự hướng dẫn của bác sĩ.